“Trong nhiều năm buôn bán chè đến các tỉnh, tôi luôn trăn trở, tìm tòi những ý tưởng về sản xuất, kinh doanh để cây chè của vùng quê mình ngày càng có giá trị kinh tế cao và có chỗ đứng trên thị trường”. Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long, thôn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) trải lòng với chúng tôi như thế.
Số đơn | 4-2015-27869 | Ngày | 09/10/2015 |
---|---|---|---|
Số chứng nhận | 4-0279395-000 | Ngày cấp | 10/04/2017 |
Chủ đơn | Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long | ||
Địa chỉ | Thôn Trung Long, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang | ||
Tên CSSX | Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long | ||
Địa chỉ CSSX | Thôn Trung Long, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang | ||
Giám đốc | Nguyễn Mạnh Thắng | ||
SĐT | 01676 123 269 | Huyện | Sơn Dương |
Diện tích | 120 ha | ||
Năng suất | Chè búp tươi 12 tấn/ha/năm; chè khô 13 tấn/năm | ||
Mùa vụ | Tháng: 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 | ||
Sản lượng | Chè búp tươi 12 tấn/ha/năm; chè khô 13 tấn/năm | ||
Đặc điểm | Chè búp tươi; chè khô | ||
Thị trường | Tuyên Quang, Hà Nội, Yên Bái, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng.... | ||
Khả năng cung ứng | Đáp ứng yêu cầu khách hàng |
"Duyên nợ” với chè
Một ngày cuối tháng 6, chúng tôi đến thăm mô hình chè VietGAP rộng 3 ha của gia đình anh Thắng. Những hàng chè thẳng đều tăm tắp, búp đâm tua tủa trải dài một màu xanh ngút ngát như xua tan đi cái nắng oi ả. Tại đây, một nhóm nông dân thoăn thoắt hái chè.
Dẫn khách dạo một vòng quanh khu sản xuất, anh Thắng bảo: “Không thể trì hoãn thời gian thu hoạch. Nếu để quá lứa mới hái, sản phẩm sẽ không ngon, chỉ là chè loại 2, loại 3, giá bán thấp. Vì vậy, gia đình tôi thuê bà con trong xóm hái cho nhanh. Khi chính vụ, riêng đội thu hái có 20 người, đội chế biến thì làm việc theo ca, cứ 10 người/ca, một ngày làm 2 ca mới đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bình quân thu nhập của người lao động đạt 6 triệu đồng/người/tháng”. Vác những bao chè tươi vừa hái vào nhà, anh Thắng bật hệ thống máy để vò và sao chè. Chốc chốc anh lại đưa chiếc khăn lau mồ hôi trên gương mặt sạm đen. Đều đặn, chè sau khi vò được rũ tơi, rồi lại tiếp tục đưa vào sao đến khi lên màu mốc mới hoàn tất công đoạn.
Lúc còn là thanh niên chưa vợ, anh Thắng đảm nhận nhiệm vụ chuyên chở chè mang bán các nơi. Anh Thắng bảo, đi bán chè nhiều nơi, khách hàng thấy rằng, chè đất quê mình rất ngon nhưng vì làm chè chẳng có tiêu chuẩn, thương hiệu gì nên giá bán quá thấp so với công sức người dân bỏ ra. Trong một lần ra tỉnh ngoài, thấy người ta làm chè sạch đem lại giá trị cao, anh tự đến tìm hiểu, học hỏi và ý tưởng làm chè sạch nhen nhóm trong đầu anh từ ngày ấy.
![]() Vườn chè trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình anh Nguyễn Mạnh Thắng,
thôn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương)
|
Anh Thắng giữ mối liên lạc và đi tham quan quy trình thu mua, sản xuất, chế biến chè sạch của một công ty tận Hải Dương, thăm mô hình chè ở Thái Nguyên. Những đồi chè Tân Cương (Thái Nguyên) trù phú bát ngát đã hút hồn anh. Nhờ cây trồng này họ có thu nhập khá cao. Đến nhà nào anh cũng được nghe chuyện nghề, thưởng thức chén trà ngon khiến anh càng thêm yêu cây chè. Mắt thấy, tai nghe đã tiếp cho người nông dân này động lực, quyết tâm.
Năm 2012, anh Thắng đã dùng những đồng vốn ít ỏi của mình và vay mượn thêm người thân để đầu tư nhà xưởng chế biến chè khô, tạo bước đệm thực hiện ý tưởng xây dựng một vùng nguyên liệu làm chè an toàn. Thông qua xưởng chế biến chè, anh luôn chủ động, tích cực truyền đạt cho bà con trồng chè trong thôn những kiến thức làm chè sạch đã được học hỏi.
Chính từ đó anh đã thuyết phục một số người tâm huyết với chè thành lập Tổ hợp tác sản xuất và chế biến chè Trung Long với 6 thành viên. Tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả nên ngày càng có nhiều người đăng ký tham gia. Đồng thời, anh Thắng đề xuất với lãnh đạo huyện Sơn Dương mong muốn làm chè sạch để nhờ hướng dẫn, định hướng.
Xây dựng thương hiệu
![]() Sản phẩm chè của Hợp tác xã Ngân Sơn
Trung Long được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Chè xanh Trung Long”.
|
“Bắt tay vào thực hiện sản xuất chè sạch, mình vẫn còn nhiều bỡ ngỡ lắm. Thế rồi, may mắn nguyện vọng của mình được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, Ban hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp của huyện Sơn Dương đến tận nơi hướng dẫn các bước thực hiện quy trình làm chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và tiến hành xây dựng đề án hỗ trợ. Các tổ viên trong Tổ hợp tác được đi tham quan, tìm hiểu cách làm chè sạch ở một số tỉnh bạn, được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc chè sạch.
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện quy trình chăm sóc chè an toàn, tháng 7-2014, Tổ hợp tác sản xuất và chế biến chè Trung Long với cơ sở chế biến chè Ngân Sơn chính thức được cấp chứng nhận sản phẩm chè an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP” - anh Thắng chia sẻ.
Với suy nghĩ, Nhà nước giúp mình phần “móng”, còn mình phải tự xây nhà, ngay sau khi sản xuất được sản phẩm chè sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Thắng nhanh chóng tìm thị trường tiêu thụ. Không chỉ cạnh tranh với sản phẩm cùng loại ở thị trường miền Bắc, anh bắt mối với các đại lý, thương buôn để đưa sản phẩm vào các tỉnh miền Trung và miền Nam. Xuất bán đi các tỉnh, khách hàng uống đã quen và thấy ngon nhưng sản phẩm lại chưa có tem, nhãn mác, bao bì nên nhiều người tiêu dùng vẫn còn nghi ngại. Trước thực tế này, anh Thắng đã dày công tìm hiểu, bàn bạc với các tổ viên và đề xuất với các cơ quan Nhà nước giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm.
Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm chè, anh Thắng cũng gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do loại hình Tổ hợp tác còn hạn chế vì không đủ tư cách pháp nhân để đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, nên tháng 9-2015, anh Thắng đã thành lập Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long do anh làm Giám đốc. Đồng thời, cơ sở chế biến chè được Nhà nước hỗ trợ, đầu tư nâng cấp. Bao bì sản phẩm chè được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ đăng ký logo thương hiệu, nhãn mác. Tháng 4-2017, sản phẩm chè xanh của Hợp tác xã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Chè xanh Trung Long”.
Sản phẩm chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP lại được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đóng gói, hút chân không, được đưa đi giới thiệu tại một số hội chợ ở Hà Nội, Hải Phòng và đã được đánh giá cao về chất lượng. Nhờ vậy, giá bán ngày một nâng cao, tăng gấp 2 - 3 lần so với trước kia. Một cân chè xanh Trung Long hiện được bán với giá 200 - 250 nghìn đồng, tương đương với sản phẩm chè đặc sản Tân Cương (Thái Nguyên).
Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long ngoài việc bao tiêu sản phẩm chè của 40 xã viên thì còn bao tiêu sản phẩm cho các hộ gia đình trồng chè khác trong thôn, xã và một số xã lân cận. Dù sản phẩm Chè xanh Trung Long được “sinh sau đẻ muộn”, song những người tâm huyết với cây chè nơi đây như anh Thắng vẫn đang ngày đêm miệt mài nâng bước cho chè Trung Long tỏa hương bay xa, để Chè xanh Trung Long trở thành món quà sức khỏe cho mọi người.
Giờ đây, mỗi năm thị trường tại các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Gia Lai, TP Hồ Chí Minh... tiêu thụ 60 tấn chè của Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long, sản phẩm cung cấp đến đâu hết đến đấy. Bình quân mỗi năm, Hợp tác xã của anh thu lãi hơn 700 triệu đồng.
CHIA SẺ!