Số đơn | 4-2014-24075 | Ngày | 08/10/2014 |
---|---|---|---|
Số chứng nhận | 4-0266343-000 | Ngày cấp | 29/07/2016 |
Chủ đơn | Hợp tác xã Đồng Tiến | ||
Địa chỉ | Thôn Tân Lập, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang | ||
Tên CSSX | Hợp tác xã Đồng Tiến | ||
Địa chỉ CSSX | Thôn Tân Lập, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang | ||
Giám đốc | Phượng Quý Chu | ||
SĐT | Huyện | Lâm Bình | |
Diện tích | |||
Năng suất | |||
Mùa vụ | Tháng 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 | ||
Sản lượng | 40 tấn chè khô/năm | ||
Đặc điểm | |||
Thị trường | Trong tỉnh, trong nước | ||
Khả năng cung ứng | Hạn chế |
Sản phẩm chè Khau Mút đã có mặt tại nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh. Tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp - thương mại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc năm 2017 được tổ chức tại thành phố Tuyên Quang mới đây, gian hàng trưng bày chè Khau Mút của tỉnh được đông đảo khách hàng đến mua. Ông Lê Quân ở thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) lên thành phố Tuyên Quang thăm người thân vào đúng dịp tổ chức hội chợ đã đến tham quan các gian hàng. Ông cho biết, đã được nghe nói nhiều về chè Khau Mút, đây là loại chè cực sạch bởi được trồng trên những dãy núi sương giăng mây phủ, bà con không sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào, được thu hái bằng phương pháp thủ công, chè có hương vị rất đặc trưng. Người sành chè như ông, chỉ cần nếm một ngụm là biết ngay chè đó “đỉnh” đến mức nào. Quả là chè Khau Mút rất hảo hạng, chè có hương vị thơm của củi lửa, dịu mát như hạt sương mai, khi uống như ngấm vào huyết mạch. Cái khoái của người thưởng thức là có sự an toàn của sản phẩm./.
Những cây Chè Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên đỉnh núi Khau Mút đã bền bỉ bám rễ, đâm chồi nẩy lộc để rồi bật lên những búp chè tươi non mơn mởn, cho hương vị thơm ngon, thượng hạng, bởi người dân ở đây đi hái chè như tìm kiếm một thứ quà tặng tự nhiên của núi rừng, chẳng cần chăm bón gì, có thể vì lý do đó mà chè nơi đây luôn đậm đà hương vị tự nhiên mà không thấy dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm.
Người dân thôn Bản Pước, xã Thổ Bình (Lâm Bình) thu hái chè Shan tuyết.
Tuyến đường dài trên 3km với tổng kinh phí đầu tư trên 9,4 tỷ đồng đang được huyện Lâm Bình đầu tư xây dựng lên thung lũng Khau Mút - vùng núi quanh năm mây phủ, khí hậu mát mẻ kết hợp với sự thay đổi tư duy canh tác chè hữu cơ của người dân nơi đây đã tạo thêm tiềm năng, cơ hội thuận lợi cho sản phẩm Chè Shan Khau Mút đậm đà riêng biệt. Từ đời này qua đời khác cây chè Shan dựa vào núi để sinh sôi; thân chè vươn cao dưới tán rừng già với diện tích canh tác trên 257 ha tập trung ở các thôn Bản Phú và thôn Bản Pước, xã Thổ Bình; đến khi thu hoạch, muốn hái chè người dân chỉ có cách trèo lên, nhặt từng búp cho vào xoỏng đeo phía sau lưng. Trước đây, những cây cao người hái chè phải bập lỗ ở thân cây để trèo lên, bây giờ họ chặt cây rừng làm giàn giáo để đi từ cây nọ sang cây kia. Vào mùa chè tốt, suốt một ngày, đi từ sáng sớm đến khi chạng vạng cũng chỉ hái được hơn chục cân chè tươi là nhiều.
Điểm cực kì ấn tượng với trà Shan Khau Mút cổ thụ khi thưởng thức đó là nước trà khá trong, không thơm nồng nàn mùi cốm non như trà mạn dưới xuôi mà là thơm dịu nhẹ, thoang thoảng nhưng cái hậu ngọt sâu thì không chê vào đâu được; vị ngọt đượm từ trong miệng, lan tỏa xuôi xuống cuống họng, từ từ như sương mai buổi sớm, thấm dần vào từng ngóc ngách của vị giác; có thể uống đến no bụng nhưng không bị xoáy, cồn cào ruột gan như những loại chè khác mà chỉ có cảm giác say lâng lâng. Khi pha trà thật đặc, nếu cho thêm đá (nước lạnh) vào thì chè ngả sang màu trắng sữa, bã trà sau khi pha cũng giữ được nguyên hình dáng chứ không bị nát hay vụn ra...
Người dân thôn Bản Pước, xã Thổ Bình (Lâm Bình) thu hái chè Shan tuyết.
Thơm ngon là thế, người trồng chè, bảo vệ vùng chè Khau Mút vất vả đổ bao mồ hôi, công sức nhưng sản phẩm chè Shan Khau Mút vẫn còn bấp bênh trên thị trường, chủ yếu được mua để làm quà, chứ chưa thực sự là hàng hóa vươn ra thị trường; giá cả lên xuống thất thường lúc đắt vài trăm nghìn đồng thì chẳng có mà bán, khi có nhiều thì chỉ hơn chè bình thường một chút; nỗi lo khi diện tích chè mở rộng đến vài trăm ha, rồi cả nghìn ha thì việc tiêu thụ sẽ ra sao? Nỗi lo của bà con gắn bó bao năm với thung lũng chè nơi đây quả không thừa bởi đã xuất hiện cách làm ăn chộp giật, vàng thau lẫn lộn của một số ít người tham lợi trước mắt.
Ra đời từ năm 2018, Hợp tác xã Đồng Tiến, xã Thổ Bình là chủ sở hữu sản phẩm Chè Shan Khau Mút; năm 2020, đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang đánh giá là sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao: Đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe nhất về quy trình sản xuất, an toàn thực phẩm; sở hữu trí tuệ; đăng ký tem, nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc,… Sản phẩm chè Shan Khau Mút của Hợp tác xã Đồng Tiến hiện đang được liên kết tiêu thụ ở gần 10 cơ sở kinh doanh, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
Sản phẩm Chè Shan Khau Mút của Hợp tác xã Đồng Tiến, xã Thổ Bình
Chè Shan tuyết là sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện vùng cao Lâm Bình nói riêng, của tỉnh Tuyên Quang nói chung, là sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh phát triển thành hàng hoá chất lượng cao được người tiêu dùng thông thái ưa chuộng, vừa mang lại giá trị kinh tế cao, vừa mang lại giá trị sức khoẻ cho người sử dụng. Khi việc sản xuất trở thành đại trà, chất lượng phải đi đôi với thương hiệu, tên tuổi, thì mới bền vững trên thị trường; có như vậy các vùng nguyên liệu chè Shan tuyết trên địa bàn tỉnh mới phát huy được hiệu quả giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập cho người dân; tạo dựng được uy tín trên thị trường./.
CHIA SẺ!