Lợn đen Thanh Tương là giống lợn bản địa tại xã Thanh Tương (huyện Na Hang) được thuần hóa từ giống lợn rừng lưu giữ đến ngày nay.
Lợn đen Thanh Tương
Giống lợn đen Thanh Tương có đặc điểm: tầm vóc nhỏ, ăn tạp, dễ nuôi, chống chịu tốt với dịch bệnh. Thịt thơm ngon, ăn không có cảm giác bị ngấy và chất lượng vượt trội so với chính giống lợn này được nuôi ở vùng thấp. Thịt lợn đen được người dân địa phương chế biến thành những món ăn độc đáo như: Thịt lợn nướng giềng mẻ, thịt lợn nướng ngũ vị hương, thịt lợn xào lăn…đặc biệt là món thịt lợn chua (là món ăn dân dã độc đáo trong văn hóa ẩm thực của đồng bào vùng cao huyện Na Hang, được chế biến từ thịt lợn đen và các gia vị như là giềng, lá quế, cơm rượu nếp, muối…được phơi khô, giã nhỏ cùng với rượu nếp cái ướp chung với thịt, sau đó cho vào hũ lớn, cứ mỗi lớp thịt lại được rải một lớp gạo rang rồi bọc kín, để trên gác bếp từ 1-2 tuần là dùng được).
Trước đây thời gian để nuôi được lợn đến lúc trưởng thành kéo dài từ 1-2 năm, phương thức chăn nuôi chính là thả rông, thức ăn hàng ngày do lợn tự đi tìm kiếm ở vường đồi quanh nhà, gia đình nào có điều kiện thì chiều tối cho lợn ăn một bữa kèm thêm chút muối để lợn nhớ chuồng tìm về. Thức ăn cho lợn chủ yếu là các loại ngũ cốc như cám gạo, ngô, cây chuối rừng... Lợn trưởng thành chỉ đạt trọng lượng vài ba chục kg, do được chăn thả nên lợn được tự do hoạt động chạy nhảy, đào bới tìm kiếm thức ăn vì vậy nên thịt lợn rất săn chắc và thơm ngon. Hiện nay nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi, tầm vóc lợn đen Thanh Tương đã được cải thiện, chất lượng thịt ngày càng được nâng cao.
Hiện nay, Thịt lợn đen Thanh Tương đang được HTX liên thôn Thanh Tương đưa ra thị trường với các loại sản phẩm chính gồm: Thịt tươi, thịt chua và lạp xưởng.
CHIA SẺ!