Số đơn | 4-2014-06113 | Ngày | 26/03/2014 |
---|---|---|---|
Số chứng nhận | 4-0247900-000 | Ngày cấp | 10/07/2015 |
Chủ đơn | Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lâm Bình | ||
Địa chỉ | Huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang | ||
Tên CSSX | Cơ sở sản xuất Ma Công Khâm; cơ sở sản xuất Lương Thị Thân | ||
Địa chỉ CSSX | Xã Bình An và xã Lăng Can, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang | ||
Giám đốc | Ma Công Khâm - Lương Thị Thân | ||
SĐT | Huyện | Lâm Bình | |
Diện tích | |||
Năng suất | |||
Mùa vụ | Quanh năm | ||
Sản lượng | 800 lít/ tháng. | ||
Đặc điểm | Mùi thơm, êm dịu, không đau đầu | ||
Thị trường | Tuyên Quang, Hà Nội, Bắc Cạn, Thái Nguyên | ||
Khả năng cung ứng | Đáp ứng nhu cầu khách hàng |
Một công đoạn ngâm, ủ thóc với men lá tại hộ gia đình bà Ma Thị Lan (bên phải), xã Bình An, Lâm Bình. |
Rượu thóc là lễ vật trong mâm cúng mỗi dịp lễ tết và để tiếp khách quý ở xa đến chơi của người dân Lâm Bình. Rượu có hương thơm, vị cay, êm dịu được nhiều người ưa chuộng. Quy trình sản xuất rượu thóc được người dân huyện Lâm Bình thực hiện rất tỷ mỷ, tuần tự từ khâu làm men lá, hấp thóc đến khi trưng cất. Sản xuất rượu thóc ngoài nguyên liệu chính là thóc thì chất gây men không thể thiếu là men lá được pha chế từ trên 10 loại lá, rễ, thân cây thu lượm trên rừng.
Các nguyên liệu để làm men rượu được rửa sạch, băm nhỏ, phơi khô, trộn đều rồi giã nhuyễn, rồi đem đun và ủ trong thời gian 1 tháng cho lên men, sau đó nặn thành từng quả như bát con, đem phơi khô và cất lên gác bếp. Hạt thóc được hấp trong nồi, để ráo nước rồi trộn với men lá, mang ngâm ủ từ 25 - 30 ngày mới đem chưng cất bằng nguồn nước mát của giếng khơi dưới chân núi. Công đoạn chưng cất rượu giống như đồ xôi, khác là chõ nấu rượu được đục 1 lỗ để dẫn rượu ra, trên miệng chõ được đặt 1 cái chảo đổ đầy nước. Quá trình chưng cất cần kiên trì và duy trì bếp đun nhỏ lửa, mỗi khi nước trong chảo nóng, lại phải thay liên tục trong khoảng 2-3 giờ. Hiện nay, loại rượu này đã tạo được uy tín trên thị trường và nấu rượu thóc đã trở thành nghề phụ tạo thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.
Để quản lý và phát triển thương hiệu cho loại rượu đặc trưng này, UBND huyện Lâm Bình giao cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện dự án. Theo đó, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đã thuê các họa sỹ, các nhà thiết kế, thiết kế mẫu nhãn hiệu, tem sản phẩm, vỏ chai, vỏ hộp, lô gô… đảm bảo các yếu tố đặc trưng cho nghề sản xuất rượu thóc của huyện. Nhãn hiệu do Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đứng tên đăng ký bảo hộ gồm cụm từ Rượu thóc Lâm Bình, đồng thời là tổ chức chứng nhận cho sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận Rượu thóc Lâm Bình. Nhãn hiệu đã được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ ngày 26-3-2014. Các tiêu chí, đặc tính chứng nhận của sản phẩm Rượu thóc Lâm Bình đó là: Rượu thóc men lá mang mùi vị đặc trưng bao gồm: Nguồn nước và khí hậu của huyện vùng cao Lâm Bình; nguyên liệu thóc, men lá của địa phương; quy trình xử lý nguyên liệu, ngâm ủ thóc, lên men, ủ men; Quy trình sản xuất, chưng cất rượu; mùi vị đặc trưng của rượu được chưng cất từ thóc và men lá của địa phương.
Trong quá trình thực hiện dự án, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện phối hợp với UBND các xã, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh Rượu thóc Lâm Bình trên địa bàn huyện triển khai thí điểm một số nội dung quản lý và khai thác nhãn hiệu chứng nhận tại hộ ông Ma Công Khâm, xã Bình An và hộ bà Lương Thị Thân, xã Lăng Can . Kết quả, sản lượng sản xuất và tiêu thụ của các hộ tham gia thực hiện trên thị trường ngày càng tăng; chất lượng rượu luôn ổn định, do áp dụng triệt để quá trình lên men, ủ men và chưng cất rượu; nhận thức của các hộ tham gia thực hiện về nhãn hiệu chứng nhận, phương thức quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận được nâng lên; các hộ tham gia thực hiện đã được kiểm định chất lượng rượu và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu.
Sản phẩm rượu thóc Lâm Bình được bày bán, giới thiệu tại Hội chợ
Nông nghiệp và Thương mại vùng Tây Bắc năm 2015. |
Nhằm quảng bá rộng rãi sản phẩm Rượu thóc Lâm Bình, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đã xây dựng hệ thống phương tiện, pa nô giới thiệu sản phẩm, in ấn tờ rơi; sổ tay hướng dẫn thương hiệu Rượu thóc Lâm Bình; thiết kế Website rượu thóc Lâm Bình có tên miền đăng ký: http://www.ruouthoclambinh.com, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của nhãn hiệu chứng nhận cho người dân trên địa bàn huyện; xây dựng quy chế sử dụng nhãn hiệu; xem xét cụ thể từng tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh rượu thóc trên địa bàn huyện đủ điều kiện, có nhu cầu mang nhãn hiệu chứng nhận Rượu thóc Lâm Bình cho sản phẩm rượu và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
Dự án đã góp phần mở rộng số lượng người được nâng cao kiến thức về Sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu chứng nhận; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các hộ gia đình, các doanh nghiệp kinh doanh, tham gia thành lập các nhóm kinh doanh sản phẩm, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ trong giai đoạn quản lý nhãn hiệu chứng nhận. Việc xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận Rượu thóc Lâm Bình cho sản phẩm rượu của huyện Lâm Bình, góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, làm tăng giá trị, uy tín của sản phẩm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và bảo tồn được loại rượu đặc trưng của huyện Lâm Bình.
CHIA SẺ!