Số đơn | 4-2020-19386 | Ngày | 29/05/2020 |
---|---|---|---|
Số chứng nhận | Đang thẩm định | Ngày cấp | |
Chủ đơn | Hợp tác xã Phúc Lợi | ||
Địa chỉ | Thôn Nà Khà, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang | ||
Tên CSSX | Hợp tác xã Phúc Lợi | ||
Địa chỉ CSSX | Thôn Nà Khà, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang | ||
Giám đốc | Nguyễn Thị Liên | ||
SĐT | 0364.124.009 | Huyện | Lâm Bình |
Diện tích | |||
Năng suất | |||
Mùa vụ | |||
Sản lượng | |||
Đặc điểm | Lợn được chăn thả ở khu vực có chuồng trại và sân vườn, thức ăn hoàn toàn từ tự nhiên nên thịt lợn rất săn và ngọt. | ||
Thị trường | Tuyên Quang | ||
Khả năng cung ứng |
Cái “duyên” nuôi lợn đặc sản
Nói là “duyên” cũng chỉ đúng một phần bởi những gia đình sống ở vùng cao như gia đình chị Liên (Giám đốc Hợp tác xã Phúc Lợi) thường hay nuôi sẵn một vài con lợn đen để mổ Tết hoặc phòng khi nhà có việc. Thế nhưng, cái duyên ở đây chính là việc chị rất “mát tay”, lứa lợn đen nào chị nuôi cũng sinh sôi, phát triển thành đàn, trở thành thế mạnh để làm giàu cho gia đình mình thì không phải ai cũng làm được. Chị Liên là người ở Khu C Na Hang theo chồng về Lâm Bình sinh sống.
Chị có “bí quyết” nuôi lợn đen mà đến nay rất nhiều người nuôi đã áp dụng tại mô hình của gia đình mình, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đó chính là dùng “cây tăng trọng” trong nuôi lợn. Thấy tôi ngỡ ngàng khi nghe đến từ “tăng trọng”, chị Liên giải thích ngay. “Tăng trọng” ở đây không phải là cám mà là loại cây dạng thảo mộc, cao như cây chè cổ thụ, khi cho lợn ăn lá cây này sẽ phòng nhiều loại bệnh và kết hợp với những loại cám ngô, cám gạo, cây chuối… lợn đen lớn rất nhanh, chẳng mấy mà xuất chuồng.
Chị Liên chăm sóc đàn lợn đen của gia đình
Ngày trước, chị Liên vốn làm kế toán của một trường học trên địa bàn huyện nhưng chị đã xin nghỉ việc để quyết tâm nuôi lợn đen. Nhiều người thấy vậy không ngớt lời chê bai chị “không nhìn xa trông rộng, người ta xin vào chẳng được đằng này thì lại bỏ”. Những lúc như vậy chị định bụng, phận là phụ nữ, bố mẹ chồng cũng già cả nếu 2 vợ chồng cùng làm Nhà nước đi suốt ngày thì lấy ai chăm sóc con nhỏ, lo việc ở nhà, đồng áng. Chị xem ti vi, thấy người ta chỉ chăn nuôi, trồng trọt vẫn sống khỏe, thậm chí làm giàu nên mới quyết định cái “rụp”. Năm 2015, sau khi được gia đình chồng ủng hộ, chị mạnh dạn đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, “đánh cược” với đàn lợn, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Chỉ sau thời gian ngắn, chị đã chứng minh cho mọi người thấy quyết định táo bạo năm ấy là đúng đắn. Mô hình chăn nuôi lợn đen dưới tán cây ăn quả của gia đình chị đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập trung bình mỗi năm từ 120 đến 150 triệu đồng. Gia đình chị duy trì nuôi thường xuyên từ 6, 7 con lợn nái đen, 40 đến 50 con lợn thịt, cao điểm có khi lên đến gần 20 con lợn nái để cung cấp lợn giống cho cả vùng. Lợn được chăn thả ở khu vực có chuồng trại và sân chơi, thức ăn hoàn toàn từ tự nhiên nên thịt lợn rất săn và ngọt.
“Tiếng lành đồn xa”, sản phẩm thịt lợn đen từ trang trại nhà chị Liên được người tiêu dùng trong huyện ưa chuộng. Những phiên chợ xa, chị xin giấy kiểm dịch mang lợn giống và thịt lợn giới thiệu, nhiều khách xuôi “bén mùi” lợn đặc sản đã lên tận trang trại tìm mua hoặc nhờ người quen gửi xe xuống tận thành phố để “tận hưởng” lợn sạch. Anh Nguyễn Ngọc Anh ở phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) cho biết, thịt lợn đen từ trang trại của gia đình chị Liên rất ngon. Nhiều lần anh và người quen đặt mua cả con về mổ để tủ lạnh ăn dần.
Từ thành công của mình, chị Liên không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm với những người nuôi lợn đen khác trên địa bàn. Năm 2016, chị đứng ra tập hợp những người cùng nghề thành lập Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phúc Lợi với mục đích giúp đỡ nhau trong chăn nuôi, cung ứng lợn đen chất lượng ra thị trường và tiến tới xây dựng thương hiệu cho lợn đặc sản của huyện vùng cao.
Thấy được lợi ích khi tham gia vào Hợp tác xã, nhiều hộ chăn nuôi lợn đen trên địa bàn đã đăng ký làm xã viên. Đến nay có 8 hộ xã viên đã duy trì, phát triển nghề mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Tiêu biểu như mô hình nuôi lợn đen của gia đình anh Chẩu Văn Hiệp ở thôn Nặm Đíp nuôi từ 70 đến 80 con lợn đen, thu nhập gần trăm triệu đồng/năm; gia đình anh Poọng Văn Sơ ở thôn Bản Khiển với mô hình nuôi lợn đen khu vực gần lòng hồ thủy điện Tuyên Quang hay mô hình nuôi lợn đen ven đồi của gia đình anh Nguyễn Văn San, thôn Làng Chùa…Tiến tới xây dựng thương hiệu
Anh Chẩu Văn Hiệp cho biết, lợn đen là lợn đặc sản được nhiều gia đình ở huyện Lâm Bình nuôi từ lâu nhưng mới chỉ manh mún chưa trở thành hàng hóa được. Việc tham gia Hợp tác xã Nông lâm nghiệp đã giúp anh bổ sung kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi và có thêm nhiều đầu mối tiêu thụ thịt lợn ra thị trường với giá cả ổn định hơn. Không chỉ gia đình anh Hiệp mà các thành viên của Hợp tác xã đã nhận được sự giúp đỡ tích cực từ Chủ nhiệm Hợp tác xã Nguyễn Thị Liên.
Khi Hợp tác xã nhận được sự hỗ trợ từ các dự án của Nhà nước về vốn vay ưu đãi, máy băm cắt thức ăn hoặc lợn giống, chị Liên đều phân bổ đều cho các thành viên để cùng đầu tư phát triển chăn nuôi. Có những khi cao điểm, tổng đàn lợn của Hợp tác xã phát triển đến vài trăm con, tính trung bình mỗi hộ xã viên thu lãi trên chục triệu đồng mỗi tháng. Từ đó, tạo hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa ở huyện vùng cao Lâm Bình.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lăng Can đánh giá, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phúc Lợi hoạt động rất tốt, các xã viên đã đoàn kết giúp đỡ nhau để việc chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Là Chủ nhiệm Hợp tác xã, chị Liên đã phát huy vai trò tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng giống lợn đặc sản của quê hương. Đặc biệt, hoạt động của Hợp tác xã ngày càng đổi mới, phù hợp với xu hướng chăn nuôi theo hướng hàng hóa hiện nay.
Cũng có lúc Hợp tác xã phải đối mặt với khó khăn khi giá thịt lợn hơi giảm sâu. Khi ấy, chị Liên đã vận động các thành viên giữ ổn định đàn không phát triển mạnh. Chị tham gia tìm hiểu thị trường lợn thịt tại các siêu thị, chợ đầu mối và thấy rằng riêng thịt lợn đặc sản vẫn giữ giá khá cao. Chị Liên cho biết, nuôi lợn đen khi mất giá thì vẫn có lãi nhưng ít hơn, chính vì thế không làm người nuôi mất vốn. Hộ chăn nuôi vì thế vẫn có thể duy trì lợn giống để phát triển mạnh hơn khi gặp thời giá thuận lợi.
Ý tưởng trong thời gian tới của chị Liên là xây dựng được thương hiệu lợn đen của huyện Lâm Bình và thành lập cửa hàng bán và giới thiệu thịt lợn đen của Hợp tác xã đến khách du lịch tại trung tâm huyện. Đến nay, chị đã lập hồ sơ đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp đỡ.
Trong thời gian qua, huyện Lâm Bình rất ủng hộ, khuyến khích những cách làm mới trong sản xuất nông lâm nghiệp, hướng phát triển cây, con đặc sản trên địa bàn huyện theo hướng hàng hóa đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ I (nhiệm kỳ 2015 - 2020). Nếu thương hiệu lợn đen của một Hợp tác xã trên địa bàn sớm được công nhận sẽ giúp người chăn nuôi được bảo hộ bằng nhãn hiệu hàng hóa, tương lai nghề nuôi lợn đen đặc sản sẽ là “cứu cánh” giúp nhiều nông dân ở huyện vùng cao thoát nghèo, làm giàu hiệu quả.
(Theo: Báo Tuyên Quang)
CHIA SẺ!